Tín Lý của Giáo Hội Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp Việt Nam

29-10-2020

Tín hữu thuộc Giáo Hội Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp Việt Nam tin rằng:

 

 

Điều 1: Kinh Thánh

Niềm tin của tín hữu Giáo Hội Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp căn cứ trên nền tảng Kinh Thánh.

Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời được Đức Thánh Linh soi dẫn, là lẽ thật tuyệt đối qua đó Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài cho nhân loại.

Kinh Thánh là chuẩn mực tối cao của niềm tin và đời sống tín hữu Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp.

Kinh Thánh là tiêu chí tuyệt đối của Đức Chúa Trời cho mọi quyết định, ý kiến của Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp Việt Nam.

Trọng tâm của Kinh Thánh là Đức Chúa Jêsus Christ.

Kinh Thánh gồm Cựu ước (39 sách) và Tân ước (27 sách), chính Đức Chúa Trời là tác giả, Ngài soi dẫn các trước giả viết ra bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.

Tín hữu Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp có bổn phận tuân giữ và rao truyền Thánh Kinh cho mọi người, mọi nơi trong mọi hoàn cảnh.

(II Timôthê 3 : 16; II Phierơ 1 : 20-21; Rôma 15 : 4; I Phierơ 1 : 22 – 25; Mathiơ 24 : 35)

 

 

Điều 2: Đức Chúa Trời

Chỉ có một Đức Chúa Trời là Chúa hằng sống và chân thật; Ngài là Đấng Tạo Hóa đầy lòng nhơn từ và thương xót.

Đức Chúa Trời là Đấng vinh hiển, thánh khiết, công bình tuyệt đối. Đấng bảo tồn và cầm quyền vũ trụ. 

Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho chúng ta qua Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh, là Đức Chúa Trời Ba Ngôi hiệp một, đồng thể yếu, đồng đẳng, đồng bản tính.

Tín hữu Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp phải hết lòng, hết trí, hết sức mà kính mến, thờ phượng, tôn vinh và phục vụ Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

(Sáng 1:3,6; Xuất 4:14; Thi 90:2; Giăng 10:10; Mác 12:30; Giăng 3:16, 14:23; Rôma 16:27; I Côr 8:4,6; II Côr 13:13; II Tim 1:17; I Côr 4:8; Giuđe 24; Khải 5:13-14; 22:16-19.)

 

 

Điều 3: Đức Chúa Jêsus

Đức Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời nhập thể qua sự hoài thai bởi Đức Thánh Linh và sanh bởi trinh nữ Mari.

Ngài là Đấng Thần Nhân, tức là Đức Chúa Trời trọn vẹn và cũng là con người trọn vẹn, thánh khiết vô tội, là Cứu Chúa duy nhất của nhân loại.

Chúa Jêsus bày bỏ ý định của Đức Chúa Trời cho nhân loại qua sự vâng giữ lời Đức Chúa Trời, qua sự chết trên thập tự giá Ngài ban sự cứu rỗi cho những người tin nhận Ngài; Ngài đã phục sinh, thăng thiên và ngồi bên hữu Đức Chúa Trời làm Đấng trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người; Ngài sẽ trở lại với vinh quang và quyền năng để phán xét thế gian.

Tín hữu Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp tin rằng: Chúa Jêsus là Chúa là Chủ Hội Thánh, là đầu Hội Thánh và Ngài là Đấng sống trong mỗi người tin nhận Ngài.

(Giăng 1:1-3; 3:16; 10:30; Philíp 2:5-11; I Côr 1:15; I Tim 2:5; Rô 3:22, 24-25; 8: 30; II Côr 5:19-21; Hêb 4:14-15; 7:24-26; Philíp 1:19.)

 

 

Điều 4: Đức Thánh Linh

Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời đồng thể yếu, đồng quyền, đồng đẳng và hằng hữu với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.

Đức Thánh Linh là Đấng giải bày chân lý cho tín hữu, cáo trách và khiến tội nhân tự cáo về tội lỗi, sự công bình và về sự phán xét.

Đức Thánh Linh là Đấng khai sinh, bảo vệ và kiện toàn Hội Thánh.

Ngài là Thần lẽ thật, là Đấng tái tạo, thánh hóa, ấn chứng trong mỗi người tin nhận Ngài cho đến ngày Cứu chuộc sau cùng.

Đức Thánh Linh ban ân tứ và bông trái của Ngài cho những người tin nhận Ngài để thờ phượng, phục vụ Đức Chúa Trời.

(Giăng 14:16; 17:26; 16:7-14; Êph 1:13-14; Gal 5:22; II Tês 2:13; I Côr 1:30; 2:10-12; Công 1:8; 8:4-24.)

 

 

Điều 5: Loài Người và Công Cuộc Sáng Tạo 

Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã hoàn thành công cuộc sáng tạo theo ý của Ngài – Ngài là Đấng dựng nên muôn loài vạn vật trong sự tốt lành, trật tự với sự khôn ngoan kỳ diệu của Ngài.

Sự sáng tạo bày tỏ vinh quang của Đức Chúa Trời mà con người là tạo vật ưu mỹ của Ngài.

Đức Chúa Trời dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài; con người là tuyệt tác trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời.

(Sáng 1:27; Giăng 1:1-3; Thi 8:19; Hêb 1:1-3; 2:6-7)

 

 

Điều 6: Công cuộc cứu rỗi

1. Sự hư hoại hoàn toàn

Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, con người bị ngăn cách với Đức Chúa Trời. Con người ở trong tội lỗi và cứ thế lan truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ kế tiếp. Con người đã bị tội lỗi làm cho hư hoại hoàn toàn. Họ không thể tự mình tìm đến với Đức Chúa Trời và cũng không thể làm vui lòng Đức Chúa Trời bởi bất cứ nổ lực nào của mình. Hơn nữa, vì bản chất tội lỗi mà tự con người cũng không hề có ý muốn tìm kiếm Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài. Hậu quả là tâm linh, thể xác và sự sống của con người đều bị chìm đắm trong tình trạng vô vọng, ngăn cách vơi Đức Chúa Trời. (Sáng-thế-ký 3:8-10, 12-13; 16-18; 19, 22-23; 2:16-17; Rô-ma 3:10-12, 23)  

2. Sự chọn lựa vô điều kiện

Đức Chúa Trời chọn lựa trước một số người theo lòng thương xót của Ngài để họ nhận sự cứu rỗi căn cứ vào ý chỉ tuyệt đối và lòng thương xót của Ngài. Ngài đã chọn những người nầy từ trước khi sáng tạo ra trời đất. Vì sự chọn lựa nầy không căn cứ trên những việc làm hoặc công đức của con người, nên được gọi là sự chọn lựa vô điều kiện. (Ê-phê-sô 1:4-5; 2:8-10) 

3. Sự chuộc tội có giới hạn

Chúa Jesus đã đến chỉ để chịu chết đền tội thay cho và cứu chuộc những người thuộc về Ngài (dân Ngài) mà thôi thay vì chịu chết cho toàn thể nhân loại.  Sự cứu chuộc chỉ dành cho những người mà Đức Chúa Trời đã chọn. (Ma-thi-ơ 1:21; Giăng 10:11, 15b, 26; Ê-phê-sô 5:25) 

4. Ân Điển không thể chống lại được

Điều nầy có nghĩa là khi Tin Lành cứu rỗi đến với một người, vào đúng thời điểm đã được định trước, Đức Chúa Trời sẽ tác động trên tấm lòng họ, soi sáng tâm trí của họ để họ mở lòng ra đón nhận Ân Điển của Chúa. Người đó không thể nào cưỡng lại được hay chống lại Ân điển ấy được mà chỉ có thể đón nhận mà thôi. Sở dĩ Đức Chúa Trời phải hành động như vậy là vì con người đang ở trong tội lỗi, bị mù lòng vì tội lỗi nên không thể tự nhận thấy được chân lý, và vì không thể nhận biết chân lý nên cũng không thể quyết định tiếp nhận. Vì vậy, người quyết định tiếp nhận Chúa Jêsus là người được Đức Chúa Trời chọn lựa trước. (Giăng 6:65; Công vụ 16:14; 1 Cô-rinh-tô 12:3; Công vụ 13:48)

5. Sự giữ gìn các Thánh đồ 

Những người đã được Đức Chúa Trời lựa chọn trước, sẽ tiếp nhận Chúa Jesus để được cứu. Họ được gọi là các Thánh đồ. “Sự giữ gìn các Thánh Đồ” khẳng định rằng các Thánh Đồ đã được Đức Chúa Trời chọn trước để được vào Thiên Đàng nên gìn giữ họ trước mọi biến cố của cuộc đời. Thánh đồ sẽ không bao giờ từ bỏ đức tin nơi Chúa Jesus, nhưng cứ bền đỗ trong đức tin cho đến cuối cùng. (Giăng 10:27-28; Giăng 13:1b; Rô-ma 8:28-30; Hê-bơ-rơ 10:14)

 

 

Điều 7: Hội Thánh

Hội Thánh gồm những người mà Chúa đã định sẵn từ trước khi sng thế để hưởng sự sống đời đời. 

Hội Thánh là thân thể thuộc linh hằng sống mà Chúa Jêsus Christ là đầu và tất cả những người được tái sanh là chi thể của thân thể thuộc linh đó.

Hội Thánh là đoàn thể duy nhất của những người tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, có đức tin trọn vẹn và tuân giữ Kinh Thánh, giữ các Thánh lễ mà Chúa đã thiết lập.

Hội Thánh tiếp nhận mọi ân tứ và quyền năng của Đức Thánh Linh để thực hiện đại mạng lệnh: rao truyền Phúc âm và môn đ? hóa ...

Hội Thánh địa phương  có quyền tự lập, tự trị nhưng không độc lập trong niềm tin và trong tổ chức mà phải thuận phục và hỗ trợ nhau với mục đích thờ phượng Đức Chúa Trời, thực hiện các thánh lễ, gây dựng Hội Thánh và truyền bá Phúc âm.

(Math 28:18-20; Mác 16:15; I Côr 1:1-3; I Phi 1:22-25; Rôma 10:8-17; Công 2:42-47; Giăng 17:21-23; Êph 2:19-22; 5:26-27; I Tim 3:15-16; II Tim 4:1-5; Êph 3:10; Công 20:28; Hêb 12:22-24.)

 

 

Điều 8: Thờ phượng và tôn vinh Đức Chúa Trời

Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp cùng thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi vào ngày thứ nhất trong tuần lễ. Ngày nay được gọi là Chúa nhật, là ngày nghỉ của con cái Chúa, để nuôi dưỡng tâm linh, giữ mối thông công với Chúa và với nhau.

Tín hữu Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp thờ phượng Đức Chúa Trời theo Kinh thánh dạy dỗ.

(Giăng 20:19; Công 2:1; Sáng 2:3; Hêb 4:1-10; 10:25; Khải 1:10; Công 2:46-47; 28:30-31; Êph 6:1-2; Côl 3:18-25; I Côr 14:12; Giăng 4:24.)

 

 

Điều 9: Báp-tem

Phép Báp-tem là Thánh lễ do Chúa Jêsus thiết lập nên Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp phải thực hiện.

Báp-tem là sự công xưng đức tin của tín hữu với Chúa, với Hội Thánh. 

Báp-tem cũng là dấu hiệu và ấn chứng của giao ước ân điển, tượng trưng cho sự kết nối với Chúa, sự tha tội, sự đầu phục Đức Chúa Trời để bắt đầu bước đi trong đời sống mới.

Khi cử hành phép báp-tem phải dùng nước bằng cách dìm mình xuống nước, xối nước hoặc rảy nước. Chỉ có Mục Sư mới được quyền cử hành Thánh lễ Báp-tem.

Người công khai xưng nhận đức tin, qua lớp học Giáo lý căn bản; trẻ em có cha mẹ là người tin nhận Chúa thì được nhận Thánh lễ Báp-tem.

Thánh lễ Báp-tem chỉ được thực hiện một lần trong đời cho mỗi cá nhân.

(Math 3:11, 28:19-20; Rôma 6:3-6; Công vụ 9:18, Êph 4:5; I Phi 3:21; Hêb 6:1-2, 9:10, 19-22)

 

 

Điều 10: Tiệc Thánh

Tiệc Thánh là Thánh lễ được Chúa Jêsus thiết lập, bày tỏ mối thông công của tín đồ với Chúa trong sự thương khó và sự kết ước thực hiện đại mạng lệnh của Chúa.

Duy trì tính sống động của Đấng Christ và sự hiện diện liên  tục của Chúa với dân sự Ngài.

Bánh và nước nho trong Thánh lễ Tiệc thánh tượng trưng cho thân và huyết của Chúa Jêsus. 

Chỉ Mục Sư mới được cử hành Thánh lễ Tiệc thánh.

Người được dự Thánh lễ Tiệc Thánh là người đã nhận Thánh lễ Báp-tem, thông qua kỳ khẩu vấn và công nhận của Hội Thánh địa phương.

(Math 26:26-28; Luca 22:19-29; Công 20:7; I Côr 10:16-17, 21; 11:23-29; 12:13; Heb 7:23-24; )

 

 

Điều 11: Gia đình Cơ Đốc

Gia đình Cơ Đốc là gia đình mà mọi thành viên đều tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình. Mọi người phải có lòng yêu thương lẫn nhau, vợ chồng phải chung thủy; chồng phải yêu thương vợ, vợ phải vâng phục chồng; con cái phải hiếu kính cha mẹ, cha mẹ phải có bổn phận nuôi dạy con cái theo tiêu chuẩn Kinh thánh.

Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp không chấp nhận việc ly hôn, ngoại trừ trường hợp Kinh Thánh đã chép; không chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân, ngoại hôn, đa thê, loạn luân, vô luân, đồng tính, tảo hôn … 

Gia đình mới phải được Hội Thánh công nhận qua lễ hôn phối.

(Thi 128; Hêb 13:4; Êph 5:22-23; Math 19:1-12; Sáng 19:1-11; I Côr 7:7-9, 32; Rôma 1:26-27; Malachi 2:13-16; Êph 6:1-4.)

 

 

Điều 12: Truyền giáo và phục vụ

Tín hữu Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp có trách nhiệm truyền bá Phúc âm, cầu nguyện, dâng hiến và đóng góp vào công tác gây dựng và phát triển Hội Thánh.

Truyền giáo là đặc quyền của mỗi Cơ Đốc Nhân, là nhiệm mạng trọng yếu của Hội Thánh có Chúa Jêsus làm chủ.

Quan tâm đến tha nhân trên hết phải là đem họ đến với Chúa Jêsus.

Truyền bá Phúc âm là công tác của Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp dù gặp thời hay không gặp thời.

(Công vụ 2:42-47; Êph 5:19-20; Công 1:8; Math 28:18-20; Mác 16:15; Luca 24:47; Giăng 16:15; II tim 4:1-5; Math 24:14.)

 

 

Điều 13:  Cơ Đốc Giáo Dục

Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp phải thực hiện công tác giáo dục vì là mạng lệnh của Chúa Jêsus.

Tín hữu trong Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp phải đóng góp, tham gia, ủng hộ cho công tác giáo dục của Hội Thánh. 

Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp có hệ thống Giáo dục cho mọi thành viên trong Hội Thánh từ Hội Thánh địa phương địa phương đến Tổng hội.

(Math 28:19; Sáng 18:19; Phục 4:9; 6:7; 31:9-13; Châm 4:13; 22:6; II Tim 2:2; 3:15-17.)

 

 

Điều 14: Trách Nhiệm Xã Hội

Tín hữu Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp thực hiện mạng lệnh của Chúa Jêsus: Yêu thương và giúp đỡ mọi người. Tình yêu đó được bày tỏ qua hành động tương thân, tương ái.

Thực hiện nghĩa vụ của người công dân Việt Nam, vâng phục và cầu nguyện cho bậc cầm quyền, tôn trọng luật pháp, tham gia các công tác xã hội, từ thiện, bảo vệ môi trường, bài trừ mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội.

Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp tôn trọng sự tự do của người khác; giữ gìn tình đoàn kết, binh vực sự công chính, ủng hộ hòa bình, không chấp nhận bạo lực và mọi hình thức gây đau khổ cho con người.

(Gia-cơ 1:27; 2:14-17; Hêb 12:14; I Tim 2:1-2; Math 22:37-30; Rôma 13:1-7; I Phi 2:13-17; Math 17:24-27.)

 

 

Điều 15: Sự tái lâm của Chúa Jêsus

Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp tin chắc rằng Chúa Jêsus Christ sẽ tái lâm để tiếp rước Hội Thánh Ngài.

Các thánh đồ sẽ cùng ở với Chúa trong “trời mới đất mới”.

(Giăng 14:1-3; Công 1:7,11; I Tês 4:13-17; Khải 21; Luca 21:27; Math 24:14,36.)

 

 

Điều 16: Sự sống lại và sự xét đoán

Mọi người sẽ sống lại theo thứ tự – người tin nhận Chúa được sống lại để hưởng phước của Chúa; người không tin nhận Chúa cũng sống lại để chịu phán xét.

Cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ thi hành phán xét chung. Các thánh đồ sẽ hưởng sự sống và phước hạnh đời đời với Chúa. Còn những người không tin nhận Chúa sẽ bị khổ hình một cách có ý thức trong hồ lửa đời đời, trong đó có ma quỷ và những quỷ sứ cùng chịu chung sự đoán phạt đời đời.

(I Tês 4:16; I Côr 15:42-44; Công 4:15; Giăng 5:28-29; Phil 3:21; Khải 20:10, 11-15; 21:1-8, 22-27.)

 

 

Điều 17: Bài Tín Điều Các Sứ Đồ

Tôi tin Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha, là Đấng dựng nên trời đất.

Tôi tin Jêsus Christ là Con độc sanh của Đức Chúa Trời, và Chúa chúng ta; Ngài được hoài thai bởi Đức Thánh Linh, sanh bởi nữ đồng trinh Ma-ri, chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi-lát, bị đóng đinh trên thập-tự-giá, chịu chết và chôn; Ngài xuống âm phủ; đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại; Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn năng là Cha; từ đó, Ngài sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin Đức Thánh Linh. Tôi tin Hội Thánh phổ thông, sự cảm thông của Thánh đồ, sự tha tội, sự sống lại của thân thể, và sự sống đời đời. AMEN!  

 

(Trích Tín Lý của Giáo Hội Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp Việt Nam)

Các bài viết cùng danh mục

Giáo lý căn bản (Các bài học dành cho tân tín hữu)

Quyển “Giáo Lý Căn Bản” này gồm những bài học giáo lý nền tảng căn bản của Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp Việt Nam, dành cho những người mới tin nhận Chúa Giê-xu và những ai muốn tìm hiểu thêm về Giáo lý căn bản của Hội Thánh trước khi chịu Thánh lễ Báp-tem. Các bài học được soạn thảo căn cứ trên Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời. [Chi tiết]

Tóm Tắt Năm Giáo lý Sự Cứu Rỗi (Thuyết tiền định - Jonh Calvin)

“Tiền định” theo nguyên ngữ Hy Lạp là “proorizō” , được tạo thành bởi hai từ: “pró” có nghĩa là “trước” (before)và “hοrízō” có nghĩa là “định” (determine). Như vậy, “tiền định” là sự định trước, có người gọi là thiên định (predestination, foreordination, predetermination), có nghĩa là Đức Chúa Trời định trước một việc nào đó trước... [Chi tiết]

Vài nét về lịch sử và đặc điểm của Giáo hội Trưởng lão

Các giáo hội Trưởng Lão thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo Kháng Cách. Từ Trưởng Lão cũng được dùng để chỉ một loại hình tổ chức của hội thánh, thể chế Trưởng Lão. Khuynh hướng thần học của Trưởng Lão bao gồm trong Năm Tín lý Duy nhất (Five Solas): Duy Kinh Thánh, Duy Đức tin, Duy Chúa Cơ Đốc, Duy Ân điển và Duy Thiên Chúa được tôn vinh. Nền thần học... [Chi tiết]