Bài chia sẻ: Chúa Jesus - Nguồn An Bình

06-01-2021

Chủ đề: CHÚA JESUS – NGUỒN AN BÌNH
Kinh Thánh: Luca 2:1-20

Câu gốc: Luca 2:14: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!"

 

A. DẪN NHẬP
Kính thưa quý vị! Hơn bao giờ hết trong thời đại chúng ta đang sống, con người đang đối diện với không biết bao nhiêu lo lắng, bất an. Họ lo lắng từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày đến những việc to lớn ngoài xã hội. Lo sợ thực phẩm độc hại ăn uống mỗi ngày; lo sợ bệnh tật; lo sợ cướp giật, lo sợ ô nhiễm môi trường; lo sợchiến tranh giữa các nước, các dân tộc, các tôn giáo trên toàn cầu…
Nhỏ thì lo lớn; Lớn thì lo già; Già thì lo bệnh; Bệnh thì lo chết; Con người suốt đời cứ đi theo cái vòng luẩn quẩn lo lắng của quy luật: Sinh – Lão – Bệnh – Tử, rồi cứ lo sợ mãi cho đến ngày trở về cát bụi.

 

Người nghèo thì lo thiếu thốn; người giàu thì lo làm giàu hơn và sợ trộm cướp; người có quyền cao chức lớn thì lo bị ám sát, triệt hại nhau; người an nhàn thì lo bị cô đơn, buồn tẻ… Cho nên, quan niệm nhà phật cho rằng: “Đời là bể khổ”. Con người không thể tự tìm ra lối thoát cho chính mình vì họ đã phạm tội và sa ngã hoàn toàn từ sau khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va phạm tội cùng Đức Chúa Trời. Như thế,tội lỗi đã vào trong thế gian làm cho con loài người cứ ở trong vòng luẩn quẩn lo lắng bất an không lối thoát. Tội lỗi chính là nguyên nhân đưa con người đến sợ hãi và bất an. Vậy giữa thế gian tội lỗi này, con người tìm đâu ra nguồn an bình cho tâm linh và cuộc sống?

 

Vì Thiên Chúa yêu thương con người mà Ngài đã tạo dựng theo hình ảnh của Ngài nên Đức Chúa Trời đã có kế hoạch để giải thoát con người mà Ngài đã chọn lựa để họ được hưởng nguồn an bình trong Chúa. Đó là kế hoạch cứu chuộc của Thượng đế dành cho con người theo như lời phán trong Sáng thế ký 3:15: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người.” Câu Kinh Thánh trêncó nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ đến trong thế gian mang hình hài con người với danh xưng là Chúa Jesus Christ – nguồn an bình cho loài người.Ngài đến để thực hiện kế hoạch định trước của Ngài và làm trọn lời phán hứa của Ngài; ma quỷ luôn tìm cách phá vỡ kế hoạch này nhiều lần nhiều cách nhưng Chúa Jêsus đã đến thế gian giáng một đòn trí mạng vào Satan để giải cứu, tha thứ tội lỗi, ban sự bình an và sự sống sung mãn cho chúng ta là những người thuộc về Chúa. 
Chúng ta cùng tìm hiểu về chủ đề: Chúa Jêsus – Nguồn An Bình dựa trên nền tảng lời Chúa để hiểu rõ hơn về Nguồn An Bình Thiên Thượng này.

 

 

B. NỘI DUNG:
I. Khái niệm an bình hay bình an
-   Từ vựng “An bình” hay “Bình an” mà chúng ta đang đề cập có ý nghĩa tương tự nhau.


-   Từ điển Tiếng Việt: Bình an hay bình yên có nghĩa là yên lành, không gặp điều gì tai hại hay rủi ro nào.


        Trong văn hóa chào hỏi của một số quốc gia có ý nghĩa riêng như: Câu chào hỏi của người Việt chúng ta thường là: “Anh/chị khỏe không?”, người Hoa thường chào hỏi bằng câu: “Anh/chị ăn cơm chưa?”, người Hàn Quốc chào hỏi bằng câu: “Anh/chị ngủ có được bình an không?”, người Mỹ thường chào hỏi: “How are you?”, người Anh chào hỏi: “How do you do? nghĩa là “Anh/chị có thế nào?”, “Anh/chị ổn chứ?”.


        Còn người Do Thái, họ chào nhau bằng từ: “Shalom” có nghĩa là “An bình chăng?” hay “Chúc bình an!”. Từ vựng “Shalom” hay “Bình an” của người Do Thái có nghĩa là: Phước hạnh đầy trọn; An khang thịnh vượng, an ninh, khỏe mạnh, phát đạt và sung túc; bình an trong tất cả mọi phương diện của cuộc sống, cả tâm linh lẫn thể xác. Đây cũng là từ vựng mà Kinh thánh đã dùng trong bối cảnh này, chỉ về bình an trong Chúa.

 

II. Thánh kinh bày tỏ về nguồn an bình
        Tiên tri Ê-sai đã tiên báo về Chúa Jêsus là Chúa của sự bình an sẽ đến trong thế gian hơn 700 năm trước khi Chúa Jêsus giáng sinh. Không có bất kỳ vị giáo chủ nào, lãnh đạo nào trên thế giới – ngoài Cứu Chúa Jêsus được tiên báo hay xưng danh là Vua bình an hay Chúa bình an. Duy chỉ Chúa Jêsus mới được xưng là Chúa bình an vì Ngài là nguồn an bình cho nhân loại.
Ê-sai 9:5 chép: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an.”
Từ vựng: “Chúa bình an” trong câu Kinh Thánh này trong tiếng Hêbơrơ là “Sar Shalom” nghĩa là “Vua bình an” hay “Hoàng vương bình an”.


        Trong Tân Ước, Sứ đồ Phao-lô đã xác nhận lại qua thư tín II Têsalônica 3:16 rằng: “Nguyền xin chính Chúa bình an ban sự bình an cho anh em trong mọi khi, đủ mọi cách! Lại xin Chúa ở cùng anh em hết thảy!”. Phao-lô đã xác chứng cho các tín hữu biết rằng chính Chúa Jêsus là Chúa bình an.


        Trước khi chịu thương khó, Chúa Jêsus đã để lại lời hứa vô cùng tuyệt diệu trong Phúc âm Giăng 14:27 rằng: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.” Đây chính là lời phán của Chúa Jêsus bày tỏ chính Ngài là Chúa bình an, là nguồn bình an và chủ tể của sự bình an. Qua các từ “Ta để”, “Ta ban”, “Ta cho”, điều đó nói lên rằng Chúa là chủ quyền bình an. Vì người chủ mới có quyền để lại, ban phát và cho đi. Sự bình an của Chúa là bình an thật, không phải bình an tạm như thế gian cho.


Như bài thánh ca 292: “Hằng Nương Trong Chúa Muôn Đời” có viết: “Thật tôi có sự bình an mà trần thế không thể ban, Cũng không ai đoạt khỏi tâm tôi rày. Dầu thử thách trên đường tôi dường một đám mây áng ngang, Giữa cảnh kia hằng thấy tâm an thái thay.” 
Thật vậy, đây chính là bình an thật mà chỉ có trong Chúa Jêsus.

 

       Trên thế giới có tổ chức gọi là Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC:United Nations Security Council) là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Thế nhưng thế giới ngày nay vẫn tiến đến những cuộc chiến tranh không ngừng nghỉ, làm cho không biết bao nhiêu người phải lo lắng sợ hãi, cuộc sống bị đảo lộn, chạy đi tìm kiếm nơi an toàn hơn. Ví dụ như những cuộc di cư lớn của nhiều người dân khu vực Trung đông đến Châu âu để tìm nơi an toàn trước tình hình chiến tranh và tình trạng khủng hoảng kinh tế trong suốt thời gian từ tháng 03 đến tháng 09 năm nay. Và nhà nước Hồi giáo IS bắt nguồn từ tổ chức khủng bố Al Queda đã làm không biết bao nhiêu chuyện giêt người, tấn công tình dục cách kinh khiếp vẫn tồn tại từ năm 2006 đến nay… Tình hình tranh giành biển Đông trong khu vực chúng ta cũng đang là điểm nóng của thế giới. Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã không thể duy trì hòa bình cho thế giới. Các cấp chính quyền thuộc các quốc gia trên thế giới cũng hứa mang lại an bình cho dân sinh nhưng cũng không thể… Như vậy, tìm đâu ra giữa thế gian này cái gọi là an bình? Câu trả lời là không thể có được ngoài Chúa Jêsus là Chúa bình an.

 

Có một câu chuyện vui kể rằng:
Có một Người Nga tên là Ivanovic, lần đầu tiên được đi xuất ngọai du lịch. Anh đến Cơ quan xuất cảnh để làm thủ tục.
Nhân viên hỏi: Anh muốn đi nước nào? Anh lưỡng lự, suy nghĩ và lựa chọn.
Thấy vậy người nhân viên góp ý: Anh đi Ý đi?
-  Châu Âu hả, tôi nghe ở đó hình sự, xã hội đen và Mafia dữ lắm. Nó giết cả thẫm phán chính phủ. Ivanovic trả lời như vậy.
-  Anh đi Israen đi, đó là xứ Thánh, có nhiều di tích lịch sử?
-  Thôi! tôi đâu có ngu dại mà đến lò thuốc súng, nguy hiểm ở mọi nơi.
- Vậy anh đi Mỹ đi?
- Ờ! Ðó là một đất nước rất văn minh và tiến bộ, nhưng mà tôi nghe ở đó tự do lắm, ai cũng có súng, phụ nữ và thiếu niên cũng có súng…nghe nói có đứa vác súng vô trường học bắn thầy cô và bạn bè chết hàng lọat. Thôi nguy hiểm quá…
Bực mình, anh nhân viên này đưa cho Ivanovic một quả địa cầu bằng nhựa và nói “anh cứ lựa chọn đi, một lát tôi sẽ giúp anh”. Một lát sau người nhân viên trở lại. Ivanovic cầm quả địa cầu bằng nhựa xoay qua xoay lại và nói: “Anh còn quả địa cầu nào khác không?”
Có lẽ anh ta muốn tìm một nơi nào khác, bởi vì theo anh ấy, không có một nơi nào trên thế giới này tuyệt đối là an bình cho anh ta.

 

       Trở lại với phân đoạn Kinh Thánh Luca - Chương 2 ký thuật lại câu chuyện Chúa Jêsus giáng sinh, cao trào nhất của phân đoạn Kinh thánh nàylà câu 13-14: “Bỗng chúc có muôn vàn thiên binh với thiên sứ đó ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!”
Chúng ta thử hình dung khung cảnh đêm xưa ấy: Giữa đêm yên lặng của đất trời, cây cỏ ngoài đồng đang bắt đầu ngậm những giọt sương đêm, đàn chiên đang say giấc, các gã mục đồng đang nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc thì trên bầu trời nơi ấy bỗng xuất hiện hàng ngàn thiên sứ với ánh sáng chói lòa xung quanh, lung linh huyền ảo, thiên sứ phán báo cùng các gã chăn chiên ấy về sự giáng sinh của Chúa Jêsus – một tin lành và sự vui mừng lớn cho muôn dân; sau khi báo tin, các thiên thần đồng ca ngợi Thiên Chúa. Thật là một khung cảnh tráng lệ và tuyệt diệu hơn cả sân khấu trình diễn quốc tế.
Nhưng điều chúng ta cần chú ý là câu hát của các thiên sứ ngợi khen Chúa: ” Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!”. Câu hát này thật có ý nghĩa vô cùng.

 

Từ vựng: “Sáng danh” cũng là “Vinh hiển” hay “Vinh quang”, “Bình an” cũng là “Hòa bình” hay “An bình”, “Ân trạch” cũng là “Ân sủng” hay “Ân điển. Câu hát này có ý nghĩa là: Chúa Jêsus giáng sinh đem vinh quang thuộc về Đức Chúa Trời, đem an bình cho chúng ta, bởi ân điển của Chúa dành cho con người. Con người đón nhận bình an này mà không cần một tiêu chuẩn nào hay phải trả một giá nào nhưng bởi sự thương xót và sự ban cho cách nhưng không của Đức Chúa Trời trong Chúa Jêsus Christ.

 

III. Đón nhận nguồn an bình
Qua câu chuyện Giáng sinh trong Luca chương 2, chúng ta biết rằng các Thiên sứ đã đến báo tin cho các gã chăn chiên ngoài đồng về sự giáng sinh của Chúa Jêsus hay nói khác hơn các Thiên sứ đã rao báo nguồn an bình đã đến trong thế gian nói chung và cho chính họ nói riêng. Sau khi nghe thông báo xong, thái độ của họ đã bày tỏ như thế nào?


        Có lẽ sự xuất hiện bất ngờ của các Thiên sứ làm họ sợ hãi nhưng khi biết được nguồn an bình đã đến thì lòng họ không còn lo lắng sợ hãi nữa nhưng vui mừng tràn ngập, họ nói với nhau rằng: ” Chúng ta hãy tới thành Bết-lê-hem, xem việc đã xảy đến mà Chúa cho chúng ta hay” (Câu 15). Sau đó, họ vội vàng tìm đến nơi Chúa Jêsus đã hạ sanh để đón nhận nguồn an bình cho chính mình. (Câu 16)


        Vậy thì để có được nguồn an bình đó, chúng ta cũng học theo cách của các mục đồng, hãy nhanh chóng tìm đến chính Chúa Jêsus đã hạ sinh năm xưa để đón nhận nguồn an bình đó cho chính ca nhân của chúng ta. Chính Chúa Jêsus đang chờ đợi để ban nguồn an bình cho hết thảy chúng ta. Lời Chúa phán trong Khải huyền 3:20 rằng: ”Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.” Chúa đã đến và đã đem nguồn an bình đến cho chúng ta, chúng ta chỉ cần đón nhận, chúng ta sẽ có được nguồn bình an thật từ nơi Chúa.


         Sau khi đón nhận được nguồn an bình, các mục đồng không chỉ dừng lại tại đó mà họ đã trở về làm sáng danh Chúa. “Bọn chăn chiên trở về, làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời về mọi điều mình đã nghe và thấy y như lời đã bảo trước cùng mình.” (Câu 20). Họ đã bày tỏ cho nhiều người khác cùng biết đến nguồn an bình ấy y như những điều họ đã nghe và chứng kiến. Họ không phải trãi qua một trường lớp thần học nào cả nhưng họ đã trở nên chứng nhân cho Chúa vì cớ họ đã trãi nghiệm được sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế vào chính tâm hồn của họ.

 

         Kính thưa quý vị! Tin lành bình an đã được các tiên tri, các thiên sứ rao báo hơn 2000 năm qua; Hôm nay, quý vị cũng đã được nghe loan báo lại tin mừng này. Nguồn an bình là chính Chúa Jêsus cũng đã đến thế gian cách đây 2016 năm. Để có được bình an thật trong tâm linh cũng như thể xác, chúng ta hãy cùng đón nhận món quà bình an mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta và chia sẻ nguồn bình an thật này cho nhiều người khác nữa.

 

C. KẾT LUẬN
Kính thưa quý vị! Quý vị đã có nguồn an bình thật từ nơi Chúa Cứu Thế Jêsus chưa? Nếu ai chưa có được nguồn bình an thật thì hãy mở lòng đón nhận Cứu Chúa Jêsus giáng sinh, quý vị sẽ được giải cứu khỏi những lo lắng – sợ hãi - bất an trong tâm hồn, được tha thứ tội lỗi và được cứu rỗi tâm linh, sự bình an thật của Đức Chúa Trời sẽ ở cùng quý vị.


Còn ai đã đón nhận nguồn an bình, hãy trở về làm sáng danh Chúa Jêsus yêu dấu của chúng ta. Hãy trở nên chứng nhân cho Chúa dù thuận cảnh hay nghịch cảnh như các mục đồng đã làm vậy.


Ma-thi-ơ 11: 28-30chép: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng.”
Hỡi những anh chị em mệt mõi và nặng gánh ưu tư, lo sợ và bất an, cô đơn và chán chường, hãy mở cửa lòng và đón nhận món quà bình an thật là chính Chúa Jêsus đang dành cho quý vị hôm nay! Amen!

 

Muốn thật hết lòng!

MS Timothy Ho

Kỷ niệm Mừng Chúa Giáng sinh 2016

Các bài viết cùng danh mục

Bài chia sẻ: Xác Chứng Sự Phục Sinh của Chúa Jêsus

Hôm nay, nhân dịp Cơ đốc giáo nói chung kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Jêsus, chúng ta cùng học về Sự Phục Sinh (sự sống lại) của Chúa Jêsus được xác thực cách rõ ràng để củng cố thêm niềm tin mà chúng ta đã có nơi lời Chúa. [Chi tiết]

Bài chia sẻ: Phe Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:31-39)

Con người ngày nay thường có xu hướng lôi kéo lập nhóm, lập phe phái theo sở thích, theo quan điểm, theo phong cách sống, theo cấp bậc xã hội, ... v.v; nhưng theo Kinh Thánh tựu trung lại trong cả thế gian chỉ có hai phe mà thôi. [Chi tiết]

Bài Trắc Nghiệm Kinh Thánh Giáng Sinh

Anh chị em thử trí nhớ và hiểu biết của mình xoay quanh chủ đề Chúa Jesus giáng sinh qua bài trắc nghiệm này nhé. Nhớ đọc lưu ý trước khi làm! [Chi tiết]